Bột Talc trong chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản
Chế phẩm sinh học là những sản phẩm chứa vi khuẩn sống nhằm mục đích cải thiện sức khòe con người và vật nuôi. Trong nuôi trồng thủy sản chế phẩm sinh học (còn goi là men vi sinh) được sử dụng với mục đích cải thiện môi trường nước, tăng cường sức khỏe cho tôm cá nuôi.
I. Thành phần, hình thức, chủng loại của chế phẩm sinh học:
1. Thành của chế phẩm sinh học: Hai thành phần chủ yếu của chế phẩm sinh học là nhóm các vi khuẩn có lợi và các chất dinh dưỡng để nuôi vi khuẩn. Vi khuẩn có lợi được phân lập từ nhiều nơi khác như: trong nước biển, trong rác. Chúng gồm các loài như Bacillus sp, Nitrosomonas, Nitrobacter ... và các Chất dinh dưỡng là các loại đường, muối canxi, muối magie. Ngoài ra trong thành phần của một số chế phẩm sinh học còn chứa các enzyme như Protease, lipase, amylase có công dụng hỗ trợ tiêu hóa và giúp hấp thu tốt thức ăn.
2. Hình thức của chế phẩm sinh học (men vi sinh): Các chế phẩm sinh học có 02 dạng, dạng nước và dạng bột. Thông thường, dạng bột có mật số vi khuẩn có lợi cao hơn so với dạng nước.
3. Chủng loại của chế phẩm sinh học (men vi sinh): Có 02 loại, loại thứ nhất dùng để xử lý môi trường (loài vi khuẩn chủ yếu là Bacillus sp) và loại thứ hai là dùng trộn vào thức ăn cho tôm cá (loài vi khuẩn chủ yếu là Lactobacillus).
II. Tác dụng của chế phẩm sinh học:
1. Tác dụng trong nước: Men vi sinh có tác dụng kích thích sự phát triển các vi khuẩn có lợi, cạnh tranh môi trường sống, làm giảm số lượng vi khuẩn có hại, làm ổn định môi trường ao nuôi. Giúp chuyển hoá các chất hữu cơ như: thức ăn dư thừa, xác tảo, cặn bã thành CO2 và nước; chuyển các chất độc hại như NH3, NO2- thành các chất không độc như NO3-, NH4+ từ đó làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi.
2. Tác dụng trong ruột tôm cá: Khi sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn; men vi sinh có tác dụng tương tự như trong nước, men vi sinh kích thích vi khuẩn có lợi phát triển, cạnh tranh để giảm dần số lượng vi khuẩn gây bệnh đường ruột cho tôm cá; ngoài ra còn tham gia quá trình biến dưỡng tạo vitamin, chuyển các chất dinh dưỡng từ thức ăn cung cấp năng lượng cho tôm cá nuôi. Tiết ra một số chất kháng sinh, enzym hay hoá chất kìm hãm hay tiêu diệt mầm bệnh, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng tôm cá nuôi. Kích thích quá trình bắt mồi và chuyển hoá thức ăn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.
III. Nguyên tắc sử dụng:
Tùy theo mục đích sử dụng: ổn định chất lượng nước, làm sạch đáy ao hay cải thiện chức năng tiêu hóa trong đường ruột tôm cá mà người nuôi cần sử dụng. Để men vi sinh phát huy hiệu quả cao, người nuôi thủy sản phải tuân thủ theo một số nguỵên tắc sau đây:
- Không được sử dụng men vi sinh cùng với các loại hoá chất, kháng sinh. Vì hóa chất kháng sinh có thể làm chết hoặc làm mất tác dụng của men vi sinh. Nếu đã sử dụng hóa chất và kháng sinh trong ao, thì khoảng 2 – 3 ngày sau nên sử dụng vi sinh để khôi phục lại hệ vi sinh vật có lợi trong ao nhằm cải thiện chất lượng nước và đáy ao.
- Đa phần các men vi sinh ở dạng bột hoặc lỏng. Vì vậy, khi sử dụng nên cân trọng lượng liều phù hợp với đối tượng nuôi, mật độ và diện tích/thể tích ao nuôi; liều lượng sử dụng theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất. Cách sử dụng men vi sinh dạng bột là nên cho vào chậu một ít nước trước khi đổ sản phẩm vào để hạn chế bị gió tạt, khuấy đều và tạt khắp ao cho hiệu quả sử dụng cao hơn.
- Thời gian xử lý vi sinh tốt nhất là lúc trời nắng và khi môi trường trong ao đã đủ lượng oxy hòa tan để các dòng vi khuẩn nhanh chóng được khởi động và nhân rộng sinh khối.
- Men vi sinh nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi ẩm thấp. Nếu sử dụng không hết thì gói kín phần còn lại, tránh ẩm để không bị đóng vón.
- Chỉ sử dụng các loại men vi sinh của các công ty có quy tính chất lượng và có tên trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định của Bộ Nông nghiệp-PTNT.
Lưu ý rằng men vi sinh không phải là thần dược, nên không thể khi nào có sự cố môi trường thì mới sử dụng. Cần định kỳ xử lý vi sinh để duy trì một mật độ vi khuẩn thích hợp nhằm kiểm soát sinh học môi trường nước và đáy ao, ổn định các yều tố môi trường ao nuôi, ngăn ngừa các loài vi khuẩn gây bệnh, tảo độc và mầm bệnh tiềm tàng trong ao. Chi phí xử lý sự cố, rủi ro biến động môi trường hoặc cải thiện môi trường thì rất tốn kém, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tỉ lệ sống của thủy sản nuôi và người nuôi nên áp dụng quy trình xử lý vi sinh trước, trong và sau mỗi vụ nuôi.